HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttp://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Chủ nhật - 12/11/2023 03:441400
Quá trình đô thị hoá, bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm
Khi đô thị mở rộng, con người ăn ở bên ngoài nhiều hơn trong gia đình. Thực phẩm thường được chế biến, bày bán sẵn ở các cửa hàng, trong khi nguồn nước sạch ngày càng ít hơn, phương tiện chế biến hàng loạt luôn có nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn. Thêm vào đó vấn đề bùng nổ dân số ở hầu hết các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển đã dẫn đến việc thiếu nước sạch, mức độ thực phẩm bị nhiễm bẩn tăng, lên đặc biệt các vật nuôi trong ao, hồ có chứa nước thải công nghiệp, lượng tồn dư một số kim loại nặng ở các vật nuôi cao do ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, các bệnh truyền qua thực phẩm là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng phổ biến và ngày càng tăng ở các nước đang phát triển.
Trong những năm gần đây, người dân Việt Nam thay đổi nhanh chóng thói quen ăn uống do dân số thành thị tăng nhanh, do chính sách mở cửa, do du lịch phát triển đã làm cho thực phẩm chế biến sẵn, các dịch vụ ăn uống tập trung ngày càng nhiều: Số lượng bếp ăn tập thể trong nhà máy, xí nghiệp, trong các trường học bán trú, trong nhà hàng, khách sạn gia tăng. Đó là nguy cơ cao dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước, môi trường do chiến tranh để lại, do mặt trái của nền kinh tế thị trường mới phát triển và do chưa quản lý được thuốc BVTV, vệ sinh thú y, giết mổ gia súc… là những yếu tố quan trọng dẫn tới các bệnh do thực phẩm.
Rất khó dự đoán con số các vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới, nhưng theo báo cáo WHO chỉ riêng năm 2000 có tới 2,1 triệu trường hợp tử vong do tiêu chảy. Người ta cho rằng phần lớn các trường hợp tử vong này là do thực phẩm và nước uống bị nhiễm bẩn. Nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và bệnh tật do thức ăn, đồ uống sẽ cao hơn rất nhiều, an toàn thực phẩm ngày càng là mối quan tâm thường xuyên ở các xã hội hiện đại.
Nhu cầu hội nhập khu vực, quốc tế đòi hỏi tất yếu phải quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Giữa thế kỷ thứ XVII, cách mạng công nghiệp ở Châu Âu nổ ra và làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế một số quốc gia, và ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới. Kinh tế thị trường ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt trong sản xuất kinh doanh hay hoạt động thương mại. “Sự phân công lao động xã hội, lao động quốc tế được hình thành, ngày càng phát triển và ngày nay đó là thương mại trong thị trường quốc tế, trong đó thị trường mỗi quốc gia đều chịu sự ảnh hưởng, sự chi phối bởi các chuẩn mực, luật lệ và qui luật của nó”. Cuối thế kỷ XX, trào lưu toàn cầu hoá xuất hiện ngày càng rõ nét, toàn cầu hóa có thể hiểu theo nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Dưới góc độ khoa học quản lý: toàn cầu hóa là quá trình hình thành hệ thống các quan hệ liên kết giữa các tổ chức trong nhiều lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu.
Toàn cầu hóa có thể diễn ra trên nhiều cấp độ khác nhau, tạo thành những hệ thống trật tự mới có qui mô khác nhau: khu vực, liên khu vực, châu lục, toàn cầu và nó là một xu thế tất yếu vì hầu hết tất cả các nước trên thế giới đều nhận thức rằng muốn phát triển kinh tế – xã hội thì phải mở cửa ra bên ngoài, tức là phải tham gia hội nhập. Toàn cầu hoá cung cấp thực phẩm cho phép người dân tiếp cận và mua được nhiều loại thực phẩm hơn, thực phẩm đa dạng nên cân đối được khẩu phần ăn, cải thiện được sức khoẻ và tình trạng dinh dưỡng. Buôn bán thực phẩm tạo điều kiện cho các quốc gia có nguồn thu nhập cao hơn. Toàn cầu hóa buôn bán thực phẩm tức là thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Điều đó biểu hiện mức sống của con người ngày càng được nâng cao không những về vật chất mà còn cả về văn hoá ở các xứ sở khác, vì thức ăn có những nét truyền thống riêng của mỗi dân tộc, quốc gia.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa không chỉ có những ảnh hưởng tích cực mà còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia thành viên. Công nghệ thực phẩm phát triển đến đỉnh cao thì nhu cầu phân phối thực phẩm do một nước sản xuất ra có thể được phân phối một cách nhanh chóng đến dân số toàn thế giới. Song đây cũng là điều kiện thuận lợi để lan truyền các bệnh do thực phẩm gây ra và không chỉ hạn chế trong phạm vi một lãnh thổ hay một khu vực nào cả. Trong vòng một thập kỷ qua, các vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn tại chỗ cũng như ngộ độc do thức ăn nhập khẩu ở nơi khác mang lại liên tiếp xảy ra ở tất cả các châu lục. Vụ ngộ độc thực phẩm do siêu vi trùng Nipah gây ra ở Malaysia và Singapore làm cho 200 người chết (chiếm 32% số người mắc, 15% số người mắc để lại di chứng thần kinh). Thịt và bột xương chế biến từ gia súc bị nhiễm bệnh bò điên phân bố khắp toàn cầu. Ngộ độc do nấm hộp sản xuất tại Trung Quốc xuất sang Mỹ… Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do sự thay đổi cách tiêu dùng thực phẩm và gia tăng sự di chuyển của người tiêu dùng. Vì thế người tiêu dùng bị tiếp xúc với các mầm bệnh và các chất ô nhiễm nhiều hơn trước đây rất nhiều.
Tình hình an toàn thực phẩm trên toàn cầu luôn biến động. Sự phát triển của công nghệ sinh học, công nghệ chế biến thực phẩm mới, thực phẩm chức năng (sản phẩm vừa là thực phẩm, vừa là dược phẩm), thực phẩm đặc biệt và sự tăng trưởng toàn cầu hóa trong chuỗi cung cấp thực phẩm sẽ tiếp tục là những thách thức đối với các cơ quan kiểm soát thực phẩm. Mặt khác, sự quan tâm của người tiêu dùng và sự chú ý của các cơ quan thông tin đại chúng về các vấn đề: bệnh bò điên, các chất ô nhiễm nguy hiểm lẫn trong thực phẩm, chất gây ung thư có trong thực phẩm, công nghệ sinh học phát triển… đã làm cho nhiều nguời tiêu dùng lo lắng về thực phẩm và họ càng đòi hỏi Chính phủ của mình phải có trách nhiệm nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho tính mạng của họ.
Thực phẩm không những là một hàng hoá mà còn là một loại hàng hóa đặc biệt có tính chiến lược, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống dân tộc. Bởi vậy, hội nhập khu vực hay quốc tế đã chi phối toàn bộ mức độ liên kết thị trường thế giới về hàng hoá nói chung và thực phẩm nói riêng. Sự phát triển kinh tế cùng với sự mở rộng giao lưu thương mại trong tiến trình hội nhập khu vực và trên thế giới đã đặt ra cho mỗi quốc gia phải tự quản lý để tồn tại, phát triển và bảo vệ cho chính mình trước những nguy cơ do mặt trái của quá trình hội nhập mang lại.
Hạ thấp số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm luôn là mục tiêu của tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đồng thời tránh được những khoản tiêu tốn vô ích của ngân sách và mọi người. Việt Nam là một quốc gia thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp, do đó hoạt động quản lý thực phẩm hiện nay và tương lai phải gắn với xu thế toàn cầu hóa này. Mặt khác, muốn củng cố vị trí, vai trò của Nhà nước, muốn hoà vào dòng chảy hội nhập của các quốc gia, tất yếu chúng ta phải quản lý được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mới đứng vững được trên thị trường “thực phẩm” và mới bảo vệ được giống nòi của dân tộc.
Cơ chế thị trường là một cơ chế kích thích và điều tiết có hiệu quả. Do cạnh tranh năng động, áp dụng nhanh thành tựu khoa học kỹ thuật, cơ chế này thúc đẩy sản xuất thực phẩm, giải quyết được mục tiêu trước mắt của người dân, quay nhanh vốn để đạt lợi nhuận tối đa phục vụ cho ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý. Nhưng cũng vì lợi nhuận tối đa mà kinh tế thị trường luôn cạnh tranh không lành mạnh, xã hội phát sinh nhiều tiêu cực. Nếu không có sự quản lý và điều tiết đúng hướng của Nhà nước thì tự làm mất thị trường do thực phẩm kém chất lượng, dễ dẫn đến suy thoái kinh tế, khủng hoảng, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường và nhiều hậu quả xấu khác về sức khoẻ, tính mạng của dân tộc bị đe dọa do thực phẩm không an toàn từ ngoài biên giới tràn vào.
Chỉ có quản lý được an toàn thực phẩm mới mong đứng vững, mới mong khẳng định được vị trí và sự tồn tại của Việt Nam để cạnh tranh vì sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu lên tới 1,76 tỷ USD năm 2001. Điều này Đảng và Nhà nước ta hiểu rất rõ nhưng giải pháp nào để đáp ứng được thì không đơn giản vì nguồn thực phẩm của Việt Nam rất lớn nhưng chất lượng không cao. Có những mặt hàng hiện tại đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế nhưng chắc chắn sẽ không đáp ứng được trong tương lai do hạn chế về công nghệ, về hệ thống kiểm nghiệm và về quản lý, kiểm soỏt của doanh nghiệp. Trong khi đó “nhiều nước đang phát triển mới bước vào công nghiệp hoá sẽ chọn chiến lược tăng trưởng hướng về xuất khẩu”.