HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ hai - 22/07/2024 22:151.2190
Ngày 18/7/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Thông tư 12/2024/TT-BYT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Quy chuẩn kỹ thuật này giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường hiện nay.
Thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về hình thức sản phẩm như viên nén, viên nang, dạng đóng gói, siro,... và xuất xứ từ cả trong và ngoài nước, điều đó phản ánh nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như thị trường này mang lại cho họ nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, sự phong phú về sản phẩm đi kèm với sự khác biệt về chất lượng. Mỗi quốc gia có quy định riêng về mức chất lượng và tiêu chuẩn an toàn, dẫn đến sự không đồng nhất trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Một số nhà sản xuất đã lợi dụng "kẽ hở" này, không chú ý đến định lượng các chất ô nhiễm có trong sản phẩm hoặc chỉ đưa ra những thông tin chung chung, không rõ ràng.
Việc thiếu kiểm soát chất lượng và định lượng các chất ô nhiễm trong sản phẩm bảo vệ sức khỏe có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt khi sử dụng trong thời gian dài. Người tiêu dùng có thể đối mặt với nguy cơ tích lũy các chất ô nhiễm trong cơ thể, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc kim loại nặng, ảnh hưởng tới gan, thận và hệ thần kinh.
Thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do đó để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cần có sự nỗ lực từ cả nhà sản xuất, cơ quan quản lý và chính người tiêu dùng.
Theo Thông tư 12/2024/TT-BYT, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất trước ngày Thông tư 12/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành, nếu chưa phù hợp với quy chuẩn QCVN 20-1:2024/BYT ban hành kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BYT thì tổ chức, cá nhân được tiếp tục nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông đến hết hạn sử dụng của sản phẩm, trừ trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Các hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đã nộp trước thời điểm Thông tư 12/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành được tiếp tục giải quyết theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.
Kể từ ngày Thông tư 12/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành, đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, nếu Tiêu chuẩn nhà sản xuất chưa phù hợp với quy chuẩn QCVN 20-1:2024/BYT ban hành kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BYT thì tổ chức, cá nhân thực hiện điều chỉnh Tiêu chuẩn nhà sản xuất cho phù hợp với quy chuẩn và thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 15/2018/NĐ-CP .
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư 12/2024/TT-BYT.
Thông tư 12/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2025.
Trường hợp quy định của pháp luật viện dẫn trong Thông tư 12/2024/TT-BYT được sửa đổi hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.