Phòng chống ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường xuyên của mọi xã hội

Chủ nhật - 07/07/2024 14:13 242 0
Trong thời gian gần đây, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều đề cập tới ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn hoặc uống phải thức ăn bị ô nhiễm các chất độc hại đối với sức khỏe con người và thường biểu hiện dưới hai dạng: ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tĩnh.
Phòng chống ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường xuyên của mọi xã hội
Phòng chống ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường xuyên của mọi xã hội - Ảnh minh họa, nguồn internet

Ngộ độc cấp tính biểu hiện rất rõ, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong, còn ngộ độc mãn tính không có dấu hiệu rõ ràng, nhưng chất độc tích lũy trong cơ thể và kéo dài dẫn tới nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau và có thể gây ung thư. Các bệnh ngộ độc thực phẩm chiếm một phần rất lớn trong số các bệnh có ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và hiện nay có hơn 250 bệnh liên quan đến ngộ độc thực phẩm

Hậu quả do ngộ độc thực phẩm gây ra đối với cá thể
Hàng ngày bất cứ ai cũng phải ăn và uống, đó là nhu cầu không thể thiếu được. Ngay từ trước Công nguyên, các nhà y học đã cho rằng ăn uống là một phương tiện để chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông thế kỷ XVIII đã biết nhiều bệnh do thức ăn gây ra và đã nói đến việc phòng độc do thức ăn, nước uống. Theo Ông: “thức ăn phải có các chất bổ dưỡng cho cơ thể chứ không được là nguồn gây bệnh…”.
Thực phẩm không những duy trì sự sống mà còn đảm bảo sức khỏe cho con người, nhưng bản thân thực phẩm cũng là nguồn gây bệnh trực tiếp, thậm chí dẫn đến tử vong. Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng dễ nhận thấy ngay. Nhưng nguy hiểm hơn là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số bộ phận trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau. Do vậy, hậu quả ngộ độc thực phẩm gây ra cho cá thể rất nặng nề, làm thiệt hại về sức khỏe, về kinh tế do phải chữa trị, phải nghỉ việc, mất chi phí do phải chăm sóc khi vào viện, chi phí ngăn chặn bệnh và làm xáo trộn sinh hoạt của gia đình cá thể. Ngộ độc mãn tính hay nhiễm độc ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ, kinh tế và kéo dài có thể chuyển sang bệnh khác hoặc gây ung thư.
Chi phí do ngộ độc thực phẩm cho cá thể chiếm tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng khu vực trên thế giới. ở các nước đang phát triển thường thiếu hệ thống bảo hiểm xã hội nên cá nhân trong thời kỳ chữa trị phải chi trả rất nhiều về kinh phí, các nước phát triển thì đỡ thiệt thòi hơn cho cá thể nhưng nhìn chung, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho bản thân cá thể và gia đình thì không thể lường hết được.
Việt Nam là nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam á, những phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng còn rất hạn chế do không có tích luỹ. Vì vậy, nguy cơ thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây nên cho cá thể nặng nề hơn nhiều so với các nước có nền kinh tế phát triển.

Hậu quả do ngộ độc thực phẩm gây ra đối với xã hội
Thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thiệt hại không chỉ về sức khoẻ, tính mạng cũng như kinh tế của mỗi người, mỗi gia đình, mà còn ảnh hưởng tới sức lao động của toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp, làm giảm khả năng tiêu thụ thực phẩm, làm mất thị trường, tức là gây thiệt hại lớn tới kinh tế, xã hội và các chi phí y tế khác (điển hình là vụ dịch thịt bò điên ở Anh, sau nhiều năm mới được nhập trở lại thị trường Châu Âu). Việc kinh doanh thực phẩm chất lượng kém, do vụ lợi của tư thương còn gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, đạo đức xã hội.
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành kinh tế như vậy cho nên không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nền công nghiệp thực phẩm, mất uy tín và lợi nhuận lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng như dịch vụ du lịch và thương mại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội mỗi quốc gia và cả trong khu vực, dẫn tới thất nghiệp, xã hội không ổn định. Ngược lại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sẽ tăng uy tín và lợi nhuận lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng như dịch vụ du lịch, thương mại, mang lại lợi ích cho quốc gia.
Khi xã hội chưa phát triển, ngộ độc thực phẩm xảy ra do nguyên nhân thiếu hiểu biết kiến thức cơ bản. Nhưng khi xã hội phát triển cao, con người chủ động can thiệp để tăng năng suất trong trồng trọt, chăn nuôi đã dẫn tới việc sử dụng hóa chất, sử dụng thức ăn cho gia súc bừa bãi. Chưa kể tới việc chuyên môn hóa cao trong công nghiệp, sự giao lưu thương mại giữa các quốc gia đã buộc con người sử dụng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng nhiều lên, nguy cơ gây mắc hàng loạt cả vùng, cả quốc gia, khu vực không thể lường được. Thực tế đã chứng minh rằng ở các nước phát triển con số mắc ngộ độc thực phẩm không phải nhỏ. Ngay cả ở những nước có hệ thống quản lý thực phẩm tốt như Mỹ, con số ngộ độc thực phẩm vẫn chiếm 5% dân số (trên 10 triệu trường hợp/năm), gây tổn thất vài tỷ đô la mỗi năm. Tại Canada, 33 triệu trường hợp ngộ độc chi phí hết 7,7 tỷ USD. Vụ dịch tả ở Pêru năm 1991 đã làm thất thoát 700 triệu đô la Mỹ trong việc xuất khẩu cá và các sản phẩm từ cá của nước này.
Ngộ độc thực phẩm phổ biến trong mọi thời kỳ của sự phát triển xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng1,3 tỷ người bị tiêu chảy thì khoảng 70% trong số đó do ăn phải thực phẩm chế biến không hợp vệ sinh, thực phẩm nhiễm bẩn các chất hoá học hay vi sinh vật. ở các nước đang phát triển, chi phí khắc phục hậu quả cho một trường hợp ngộ độc thực phẩm là 100 USD bao gồm từ nguồn ngân sách nhà nước, gia đình nạn nhân phải chi trả và doanh nghiệp nơi xảy ra ngộ độc phải bỏ ra để khắc phục hậu quả.
Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ đáng kể về phát triển kinh tế là nhờ tự túc được thực phẩm trong nước và xuất khẩu khối lượng lớn ra nước ngoài. Nếu không kiểm soỏt tốt cụng tỏc phòng chống ngộ độc thực phẩm chúng ta sẽ bị tụt hậu về kinh tế như một số quốc gia khác đã vấp phải và làm mất thị trường xuất khẩu. Vì vậy, phải xác định rằng: phòng chống ngộ độc thực phẩm là vấn đề thường xuyên của mọi xã hội.
 
Tác giả: ThS. Trương Thị Thuý Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây