HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttp://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ tư - 15/12/2021 05:244000
Nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có trữ lượng cá nổi nhỏ đang có dấu hiệu suy giảm, vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá là rất cấp thiết – theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.
Nhận định trên được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu tại Hội thảo “Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam” diễn ra sáng 15/12.
Theo ông Phùng Đức Tiến, nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm chủ yếu là loại cá thuộc nhóm cá nổi nhỏ như cá biển (gồm các loài cá cơm, nục, trích, …) và cá đồng (chủ yếu cá linh ở đồng bằng sông Cửu Long).
Nguồn cá biển có thể thu được từ các ngư trường dọc các tỉnh duyên hải từ Vịnh Bắc bộ, miền Trung đến vịnh Thái Lan. Nguồn cá đồng như cá linh thì tập trung nhiều ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.
Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm mạnh theo thời gian.
Nếu như giai đoạn 2000 -2005, trữ lượng cá nổi nhỏ của Việt Nam đang đạt 5,07 triệu tấn, thì giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 4,36 triệu tấn, giai đoạn 2016 – 2019 còn 3,95 triệu tấn và hiện nay chỉ còn 2,45 triệu tấn.
Vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết để duy trì chuỗi sản xuất, chế biến nước mắm phát triển bền vững.
Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm.
Bên cạnh đó, cần điều tra nguồn lợi, đánh giá cường lực và sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững.
Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn).