HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ tư - 05/06/2024 00:264590
Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ hội viên của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, đồng thời thực hiện kế hoạch phối hợp hành động giữa Hội Thủy Sản Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, từ ngày 24/5/2024 đến ngày 26/5/2024.
Hiệp hội và hội viên đã được tham quan hệ thống Nhà thùng lớn nhất Việt Nam tại Nhà máy Masan Phú Quốc - nơi sản xuất nước mắm cốt có diện tích hơn 22.000m2, với gần 500 thùng ủ chượp có sức chứa hơn 10.000 tấn cá mỗi năm.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Hội đầu bếp Hoàng Gia, Liên chi hội Phở Vân Cù, Hiệp hội ẩm thực Pháp Việt, Hội đầu bếp chuyên nghiệp TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cùng với các nghệ nhân và đầu bếp Topchef đã có trải nghiệm thú vị tại hệ thống Nhà thùng lớn nhất Việt Nam.
Cũng tại đây, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ẩm thực, nước mắm càng thăng hoa trong các món ăn do chính các nghệ nhân quảng diễn.
Khám phá “thế giới nước mắm” tại Nhà thùng lớn bậc nhất Phú Quốc
Không khỏi ngạc nhiên khi bước vào “thế giới nước mắm”: được thấy, được nghe, được thử từng giọt nước mắm trong các thùng ủ chượp tại hệ thống nhà thùng lớn nhất Việt Nam. Khám phá quy trình để làm ra những chai nước mắm thơm ngon quá quen thuộc trong gian bếp người Việt với thương hiệu CHIN-SU, Nam Ngư thân quen là một trải nghiệm khá ấn tượng.
Nhà máy Masan Phú Quốc - nơi sản xuất nước mắm cốt có diện tích hơn 22.000m2, với gần 500 thùng ủ chượp có sức chứa hơn 10.000 tấn cá mỗi năm, vận hành với tiêu chí chú tâm, tỉ mẩn đến từng nguyên liệu, từng chi tiết.
Bước quan trọng đầu tiên là chọn lọc nguồn cá cơm tươi để đưa vào ủ chượp, cá phải được “chấm điểm” vượt qua 5 chỉ tiêu như: tỷ lệ cá tạp, loại cá, độ muối, độ khô, độ tươi. Sau đó, những mẻ cá cơm này được các ngư dân trộn với muối tinh sạch theo công thức 3 cá 1 muối ngay trên thuyền, để cá giữ được sự tươi ngon. Muối để ướp cá cũng là loại muối được tuyển chọn từ Bà Rịa-Vũng Tàu, với độ mặn thuần khiết, không có vị chát của canxi, đắng của kali, để cá được bảo quản tốt nhất.
Nguyên liệu đóng thùng ủ chượp chủ yếu từ các loại gỗ như bằng lăng, bời lời, dên dên. Đây là những loại gỗ dẻo dai, thớ mịn, chịu độ mặn tốt, không độc hại và không có mùi lạ.
Nhà thùng kế thừa cách ủ chượp nước mắm cổ truyền, và từng bước phát triển hơn cho chất lượng nước mắm với các bước chuẩn hóa quy trình ủ chượp và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như:ISO, HCCP, Codex HACCP, EU Code… cốt mắm được chiết ra từ thùng gỗ sẽ tiếp tục trải qua quá trình xử lý và đóng chai trên dây chuyền sản xuất khép kín, cho ra những chai nước mắm đậm đà có vị hậu ngọt của cá tươi, cùng mùi thơm đằm và sắc nâu cánh gián, đỏ trong.
Ngoài việc đầu tư khoa học kỹ thuật, hệ thống nhà thùng nước mắm Masan còn đang được vận hành, quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm - “yêu từng giọt nước mắm” như ông Lã Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chia sẻ: “Trong suốt quá trình tham quan nhà thùng và quy trình sản xuất tại nhà máy, chúng tôi thêm cảm phục và tin tưởng khi được gặp gỡ, lắng nghe cách suy nghĩ, đam mê cống hiến từ các cán bộ quản lý cấp cao tại Masan, không chỉ cho sự phát triển của công ty mà còn cho nước mắm Việt, ẩm thực Việt”.
Hiện nhà máy Masan Phú Quốc đã bước sang năm thứ 16 hoạt động, sở hữu hệ thống nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại 3 nơi: Masan Lagi (Phan Thiết), Masan PQ (Phú Quốc) và Masan Hậu Giang với sản lượng cá trên hơn 26.000 tấn mỗi năm. Bên cạnh sở hữu nhà thùng ủ chượp của riêng mình, Masan còn hợp tác với các nhà thùng khắp cả nước để cung cấp đủ nước mắm cốt cho ra hàng trăm triệu chai nước mắm CHIN-SU, Nam Ngư phục vụ người tiêu dùng hằng năm.
Khi nước mắm biến tấu cùng ẩm thực không biên giới
Có thể nói, trong hầu hết các món ăn Việt Nam, nước mắm là một gia vị chính không thể thiếu. Ẩm thực đa dạng từ các món ngon ba miền đa phần đều sử dụng nước mắm để làm món ăn thêm tròn vị.
Dưới đôi tay khéo léo cùng sự am hiểu ẩm thực, các nghệ nhân đến từ Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tham gia trong chuyến tham quan lần này đã sáng tạo nên các món ăn đặc sắc, mà ở đó hương vị nước mắm như thêm hòa nguyện ngay trên hòn đảo Phú Quốc. Nhiều món ăn đặc sắc đã thăng hoa cùng nước mắm Nam Ngư, CHIN-SU như: Cơm nếp cá cơm chà bông sốt nước mắm, Chim cu đất gói lá mướp hấp nước mắm, Gỏi ghẹ nước mắm tỏi ớt đậu phộng…
Bất ngờ hơn, sự giao lưu ẩm thực từ nước mắm vươn xa ra khỏi món ngon Việt, khi chính các master chef từ nước ngoài cũng bị cuốn hút bởi loại gia vị “quốc hồn quốc túy” đặc biệt này. Các món Âu, Fusion cũng sử dụng nước mắm làm điểm nhấn vô cùng tinh tế, từ món Mực lá tươi sốt mayo nước mắm và vỏ trái phật thủ, Gan ngỗng nước mắm, đến món Kem nước mắm đầy ấn tượng.
Món ngon, ẩm thực là không biên giới, cũng như nước mắm Việt cũng đã gây ấn tượng và được đón nhận bởi các thực khách quốc tế với hương vị đậm đà, độc đáo. Như chính sản phẩm nước mắm CHIN-SU cá cơm biển Đông đang được bán song hành tại cả thị trường Nhật Bản và Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của bạn bè quốc tế.
Chuyến tham quan Hệ thống nhà thùng nước mắm lớn nhất Việt Nam khép lại, nhưng câu chuyện về hành trình nước mắm CHIN-SU vẫn đang tiếp tục và sẽ còn nối dài “ra biển lớn”, hướng đến mục tiêu để người tiêu dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể thưởng thức hương vị đậm đà và tròn vẹn của nước mắm Việt.