HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Chủ nhật - 02/02/2025 11:01170
Đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên thì có 9 quốc gia ven biển và quốc đảo, một quốc gia (CHDCND Lào) không có biển, nhưng nằm trên lưu vực sông Mekong - một vùng nước quốc tế xuyên biên giới (từ nguồn ra biển). Vì thế, có thể nói, biển là yếu tố vượt trội của ASEAN với tổng chiều dài bờ biển khoảng 173.000km và một vùng biển rộng, bao gồm các vùng biển trong Biển Đông thuộc Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan, Campuchia, Singapore.
Vì thế, ASEAN có các quyền và lợi ích trực tiếp trong khu vực biển này, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông. Đặc biệt, ASEAN và Biển Đông là không gian địa chiến lược (địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa) quan trọng đối với khu vực và thế giới, chứa đựng các lợi ích đan xen không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, Biển Đông còn là nơi tích tụ các lợi ích “trời cho” đối với các nguồn tài nguyên và giá trị môi trường - sinh thái biển, có tuyến hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất thế giới đi qua.
ASEAN gắn với lợi ích ở Biển Đông
Khu vực Biển Đông - ASEAN còn là trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu với gần 30% diện tích rạn san hô và khoảng 35% diện tích rừng ngập mặn toàn thế giới phân bố ở đây. Hơn 600 triệu dân sống trong khu vực ASEAN và gần 50% số dân nghèo khó có sinh kế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đại dương, biển và vùng bờ. Tam giác san hô toàn cầu mà trung tâm là vùng biển Indonesia và Philippines mở rộng vào Biển Đông và hình thành một “Tiểu tam giác san hô Biển Đông” với trung tâm là vùng biển huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa và đỉnh tiểu tam giác về phía Tây là vùng biển ven bờ Khánh Hòa, đỉnh phía Đông Nam là Brunei và phía Đông Bắc là đảo Luzon (Philippines).
Bồn trũng nước sâu hình “lưỡi bò” có hướng cấu trúc Đông Bắc - Tây Nam, chiếm khoảng 50% diện tích đáy Biển Đông, thực chất là một “kho báu” của khu vực biển này. Ở đây có thể bắt gặp các loại tài nguyên khoáng sản biển sâu, đất hiếm, băng cháy, photphorit, dầu khí, các loài hải sản ưa sống môi trường đại dương... Chính vì thế, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước, đặc biệt là các cường quyền chính trị nước lớn trong lịch sử và nay là Mỹ và Trung Quốc, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển, cũng như an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không. Đặc biệt, Biển Đông gắn với vùng biển ASEAN còn là “nút giao” kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong Sáng kiến chiến lược của Mỹ: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” và Sáng kiến chiến lược của Trung Quốc: “Vành đai - Con đường” cùng với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc” cắt qua khu vực biển này.
Vai trò trung tâm của ASEAN về vấn đề Biển Đông
Các tranh chấp chủ quyền biển, đảo cũng có chiều hướng “leo thang” khó lường ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến lợi ích nhiều mặt của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Bên cạnh các nguy cơ, khu vực biển này hàng ngày phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống như: cướp biển, thiên tai, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu... Những thách thức nói trên, nếu không có cách giải quyết thoả đáng, thiếu thiện chí chính trị và không kiểm soát được bất đồng về những vấn đề trên biển thì sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã nổi lên với vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Biển Đông, dẫn dắt “lối chơi” và lôi cuốn các quốc gia trong và ngoài khu vực vào các cơ chế, diễn đàn do ASEAN lập ra và giữ vai trò trụ đỡ.
Vai trò trung tâm của ASEAN được vận hành thông qua các cơ chế hợp tác, các diễn đàn đa phương do ASEAN sáng lập, lãnh đạo và có “đặc quyền” đăng cai, thiết lập các chương trình nghị sự, điều hành các quá trình thảo luận. Năm cơ chế, diễn đàn tiêu biểu nhất thể hiện cho vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Biển Đông và khu vực là ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Các diễn đàn này trải rộng ở nhiều tầng nấc trong toàn khu vực và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: kinh tế, quốc phòng, an ninh... và hoạt động theo nguyên tắc “mở” hướng ra bên ngoài (ASEAN+n). Với cơ chế mở và các nỗ lực rút ngắn khác biệt giữa các nước nội khối và giữa khối với các nước đối thoại của ASEAN, nên các nước lớn đều ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và tại ASEAN+n, cũng như các diễn đàn khác trong khu vực.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4/11/2002, tại Phnom Penh, Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến và là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, nhất là 4 nước: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đặc biệt, việc ký và thực hiện DOC trong hơn 20 năm cũng cho thấy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, dù các kết quả chưa được như mong muốn, ngay cả việc hợp tác về các vấn đề ít nhạy cảm trong Biển Đông quy định tại Điều 1-4 của văn bản DOC lại vẫn “rất nhạy cảm”... Mặc dù vậy, ASEAN vẫn tiếp tục chủ động cùng Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với cấp độ ràng buộc pháp lý cao hơn. Quá trình xây dựng không đơn giản và nhanh chóng, nhưng các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam vẫn kiên trì, kiên định cùng Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ và tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất giữa các bên.
Củng cố vai trò trung tâm và lập trường chung của ASEAN về Biển Đông
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng, thì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực lại càng phải được củng cố để tránh đẩy các nước ASEAN vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực của các cường quyền chính trị. Muốn vậy, ASEAN phải thực sự đoàn kết, kiên trì giảm khác biệt, tăng đồng thuận trong các vấn đề về Biển Đông, đặc biệt phải giữ vững lập trường của khối về vấn đề Biển Đông. Đó là tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
ASEAN cũng cụ thể hóa vai trò trung tâm của khối trên năm khía cạnh: Một là, vai trò trung tâm của một ASEAN độc lập, tự cường; hai là, vai trò trung tâm trước các vấn đề nóng ở khu vực; ba là, vai trò trung tâm trong quan hệ với các nước lớn, các đối tác và các bên đối thoại khác; bốn là, vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực thông qua chủ động hợp tác giữa các bên; năm là, vai trò trung tâm trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức mang tính toàn cầu.
Cuối cùng, về đại thể, dù còn nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN cần tiếp tục được củng cố trong thời gian tới. Lưu ý rằng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, mà còn đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Việc các quốc gia thành viên tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình. Với sự ra đời của Hiến chương ASEAN, “vai trò trung tâm” đã được pháp điển hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa trở thành nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN trong thời gian tới.