HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ năm - 12/12/2024 01:40420
Để tránh việc Mỹ áp mức thuế cao với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, từng bước tiến tới cân bằng thương mại giữa 2 nước, GS Hà Tôn Vinh, người vừa từ Mỹ về Việt Nam đã chia sẻ 7 giải pháp quan trọng với VietTimes.
- “Như một trong nhiều sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tôi, trong ngày 20/1 tôi sẽ ký tất cả các hồ sơ cần thiết để áp mức thuế quan 25% đối với tất cả các sản phẩm Mexico và Canada nhập khẩu vào Mỹ”, ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 25/11 (giờ Mỹ). GS có ngạc nhiên không về vấn đề này?
- Trước tiên phải nói rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc sử dụng thuế quan được xem như một chiến lược mạnh mẽ để định hình lại các thỏa thuận thương mại và buộc các đối tác thương mại như Trung Quốc, EU hay Mexico phải nhượng bộ.
Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, Mỹ đã áp đặt hàng loạt thuế suất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc nước này thay đổi các chính sách kinh tế mà Washington cho là không công bằng.
Còn tôi có ngạc nhiên không ư? Tôi không hề ngạc nhiên về việc ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada nhằm gây áp lực buộc hai nước này kiểm soát tốt hơn vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán ma túy.
Ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: “Cả Mexico và Canada đều có quyền và sức mạnh tuyệt đối để dễ dàng giải quyết vấn đề dai dẳng này. Đã đến lúc họ phải trả giá đắt!”.
Còn về Trung Quốc, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh không hành động đủ mạnh tay để ngăn chặn dòng ma túy trái phép tràn vào nước Mỹ từ phía biên giới Mexico. “Cho đến khi nào họ chịu dừng lại, chúng tôi sẽ áp thêm 10% thuế quan lên tất cả hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ”, ông Trump tuyên bố.
Đồng thời Tổng thống đắc cử Donald Trump còn cho biết mức thuế quan như đã nêu trên sẽ được áp dụng cho đến khi hai nước này siết chặt tình trạng buôn bán trái phép chất ma túy, đặc biệt là fentanyl, cũng như giảm dòng người di cư vượt biên bất hợp pháp.
Nên nhớ rằng, Mexico và Canada là hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Hơn 83% hàng hóa sản xuất tại Mexico nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Trong khi đó, 75% hàng xuất khẩu của Canada nhập khẩu vào Mỹ.
Canada và Mỹ cũng đã từng áp lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm xuất khẩu của nhau trong thời kỳ căng thẳng trước khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) năm 2020. (Chính ông Trump là người đã ký USMCA vào năm 2020 và hiệp định này vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động miễn thuế giữa ba nước- NV).
- GS có thể cho biết rõ hơn tình trạng nhập cư trái phép và buôn bán ma túy, đặc biệt là fentanyl, từ Mexico và Canada vào Mỹ đang là vấn đề nghiêm trọng, dẫn đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ hai quốc gia này?
- Biên giới Mỹ- Mexico thường xuyên chứng kiến số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp. Theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (tháng 9/2023) thì cơ quan này đã bắt giữ 269.735 người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới này, vượt kỷ lục trước đó vào tháng 5/2022.
Về Canada: Mặc dù biên giới Mỹ- Canada ít căng thẳng hơn, vẫn có các vụ nhập cư trái phép. Tuy nhiên, số lượng này nhỏ hơn nhiều so với biên giới phía nam.
Về Buôn bán trái phép chất ma túy, đặc biệt là fentanyl:
Mexico là nguồn cung cấp chính của fentanyl vào Mỹ. Các băng đảng ma túy Mexico sản xuất fentanyl từ tiền chất nhập khẩu, chủ yếu từ châu Á, và vận chuyển vào Mỹ qua biên giới phía nam. Fentanyl gây ra khoảng 70.000 ca tử vong do quá liều mỗi năm tại Mỹ.
Mặc dù Canada không phải là nguồn chính cung cấp fentanyl vào Mỹ, vẫn có các vụ buôn bán ma túy qua biên giới. Tuy nhiên, quy mô nhỏ hơn nhiều so với từ Mexico.
- Phản ứng của Trung Quốc, Canada và Mexico như thế nào, thưa GS?
-Ba quốc gia ngay lập tức phản ứng trước tuyên bố của ông Trump. Ông Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết: “Ý kiến nói rằng Trung Quốc cố ý để tiền chất fentanyl tràn vào Mỹ hoàn toàn trái ngược với thực tế”.
Còn Thủ tướng Canada Trudeau cảnh báo rằng áp thuế sẽ gây hại cho cả hai nền kinh tế và nhấn mạnh rằng biên giới Canada-Mỹ không gặp vấn đề tương tự như biên giới Mexico-Mỹ.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum thì cho rằng áp thuế sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên và nhấn mạnh rằng Mexico cần được tôn trọng, đặc biệt từ các đối tác thương mại.
- Áp đặt thuế quan cao lên các đối tác thương mại của Mỹ là một phần cốt lõi trong chương trình kinh tế của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Ông cho rằng điều này sẽ bảo vệ việc làm trong nước, tăng doanh thu thuế và thúc đẩy phục hưng ngành sản xuất ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan cao sẽ làm tăng lạm phát và dẫn đến lãi suất cao hơn. Ý kiến của GS thì sao?
- Việc đánh thuế cao lên các đối tác thương mại của Mỹ, trước hết nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước: Thuế quan cao có thể làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước. Điều này có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa và bảo vệ việc làm trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.
Hai là, tăng doanh thu thuế: Khi áp thuế nhập khẩu cao, Chính phủ có thể thu được nguồn thu đáng kể từ các hàng hóa nhập khẩu, bổ sung vào ngân sách quốc gia. Ba là, giảm thâm hụt thương mại: Mục tiêu của thuế quan thường là giảm nhập khẩu, từ đó thu hẹp thâm hụt thương mại, đặc biệt với các quốc gia như Trung Quốc – một đối tác mà Mỹ thường xuyên có thâm hụt lớn.
Còn mặt hạn chế của nó là thuế quan cao khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng, làm tăng chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên việc một số mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng có tăng lên nhưng người mua vẫn có thể chấp nhận được, khi mà các chỉ số tăng trưởng kinh tế tốt.
Đương nhiên, khi Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng của Mexico, Canada, thì ngược lại các nước này cũng sẽ có biện pháp trả đũa tương tự. Tuy nhiên nhìn vào các hạng mục mà Mỹ nhập khẩu từ các nước này chúng ta có thể thấy dầu mỏ là mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Canada, trong khi Mỹ nhập nhiều nhất là ô tô và linh kiện từ Mexico. Đồng thời Mỹ cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng điện tử từ Trung Quốc. Các mặt hàng này Mỹ hoàn toàn thay thế bằng nhập của các nước khác để bù đắp.
Chưa có cơ hội để BRICS ra đồng tiền mới thay thế đô la trong tương lai gần
-Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đe dọa đánh thuế 100% lên các nước BRICS nếu nhóm này tìm cách thay thế đồng USD trong giao dịch quốc tế. Đây là lần thứ hai ông đe dọa đánh thuế sau khi ông đe dọa tương tự với Mexico và Canada kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ. Ý kiến của GS về vấn đề này?
-“Chúng ta yêu cầu các quốc gia này cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới, cũng như không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng đô la Mỹ hùng mạnh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và nói lời tạm biệt với việc bán hàng vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ”. Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 30/11 như vậy. Đồng thời ông cũng cho rằng “không có cơ hội nào” để BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế”.
Chúng ta có thể thấy một thực tế là nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (ban đầu bao gồm Brazil (B - Brazil), Nga (R - Russia), Ấn Độ (I - India), Trung Quốc (C - China), và Nam Phi (S - South Africa)), thực sự chỉ có Trung Quốc là có nền kinh tế phát triển (GDP của Mỹ hiện vào khoảng 30.000 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 20.000 USD), trong khi đó Nga GDP khoảng hơn 2.000 tỷ USD.
Năm 2022, Nga - quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS đã đưa ra ý tưởng giới thiệu một loại tiền tệ BRICS. Tuy nhiên, đến tháng 10/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trình bày: “Hợp tác bên trong BRICS không nhằm chống lại bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì, và cũng không chống lại đồng USD hay các loại tiền tệ khác”.
Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn vai trò của USD là điều khó xảy ra trong ngắn hạn. Thị trường tài chính Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới. Việc ông Trump đe dọa mức thuế 100% các nước có ý định ủng hộ việc ra một đồng tiền mới nhằm thay thế đô la là để nhấn mạnh lời ông ấy tuyên “không có cơ hội nào” để BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế” như đã viện dẫn ở trên.
Bảy giải pháp tiến tới cân bằng thương mại Việt Nam-Mỹ
-Nhiều người đang lo ngại rằng liệu Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump có áp đặt thuế cao lên các mặt hàng của Việt Nam vào Mỹ không khi giá trị thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam?
-Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và từ 10% đến 20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác. Việt Nam chúng ta hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, khoảng 102 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này khiến Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiềm năng cho các biện pháp thuế quan của Mỹ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics có hoạt động sản xuất lớn tại Việt Nam, đang bày tỏ lo ngại về khả năng áp thuế từ chính quyền Trump mới.
Mặc dù ông Trump chưa đề cập cụ thể đến Việt Nam trong chiến dịch tranh cử gần đây, nhưng vào năm 2019, ông từng chỉ trích Việt Nam trong thương mại với Mỹ. Do đó, khả năng ông Trump áp thuế lên hàng hóa Việt Nam không thể loại trừ, đặc biệt khi thặng dư thương mại tiếp tục gia tăng.
Để giảm thiểu rủi ro, Việt Nam có thể xem xét tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), máy bay và thiết bị quân sự, nhằm cân bằng cán cân thương mại và giảm áp lực từ các biện pháp thuế quan tiềm năng. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần được đánh giá kỹ lưỡng.
- Để giảm thiểu và từng bước tiến tới cân bằng thương mại với hàng hóa từ Mỹ, Việt Nam chúng ta nên triển khai cụ thể những giải pháp gì, thưa GS?
-Thứ nhất là chúng ta cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ: Đẩy mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ. Đây là lĩnh vực Mỹ có lợi thế cạnh tranh; Tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ phục vụ sản xuất; Mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu tương, bông, ngô và thịt bò, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hai là hợp tác chiến lược và đầu tư song phương: Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ và dịch vụ tại Việt Nam; Đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh và năng lượng sạch.
Ba là đẩy mạnh xuất khẩu giá trị cao sang Mỹ: Chuyển hướng từ xuất khẩu sản phẩm gia công giá trị thấp (như dệt may, giày dép) sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.
Bốn là thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa Mỹ tại Việt Nam: Tăng cường các chiến dịch quảng bá thương hiệu Mỹ và tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm giới thiệu sản phẩm Mỹ tại Việt Nam; Hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối Việt Nam đưa sản phẩm Mỹ tiếp cận sâu hơn với thị trường trong nước.
Năm là đàm phán và hợp tác chính sách: Chủ động phối hợp với Mỹ trong các khuôn khổ hợp tác song phương để giải quyết các vấn đề thương mại; Tăng cường kiểm soát và minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa nhằm tránh các cáo buộc về “lạm dụng thương mại” hoặc gian lận thương mại.
Sáu là thúc đẩy mua sắm công và quốc phòng: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và mua sắm công, bao gồm việc nhập khẩu thiết bị quân sự và hàng không từ Mỹ.
Bảy là xây dựng chiến lược dài hạn: Tập trung xây dựng chiến lược kinh tế dài hạn hướng tới cân bằng giữa xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất; Xây dựng các thỏa thuận thương mại mới với Mỹ để đảm bảo đôi bên cùng có lợi và giảm nguy cơ áp thuế.
Những giải pháp này cần được triển khai đồng bộ và đi kèm với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam nhằm duy trì quan hệ thương mại bền vững với Mỹ.
Xin trân trọng cám ơn GS!
GS Augustine Hà Tôn Vinh sinh năm 1945 trong một gia đình tiểu thương ở miền Bắc Việt Nam. GS theo cha mẹ ra nước ngoài định cư từ nhỏ. Ông học Cao học Ngoại giao và Phát triển Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Mỹ (1976-1978).
Ông được cấp học bổng của Chính phủ Liên bang Mỹ, học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983).
Giáo sư tham gia hoạt động chính trị với vai trò trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Wilson Reagan, Tổng thống thứ 40 của Mỹ (từ năm 1981 đến năm 1989).
GS Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sát nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng...
Trong nhiều năm, ông còn là chuyên gia tư vấn cao cấp tài chính, cơ sở hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào; chuyên gia tài chính năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và làm Cố vấn hợp tác và phát triển chiến lược, tái cấu trúc và cải tổ doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương.
Trong số hơn 70 quốc gia đã từng làm tư vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, ông đặc biệt tâm huyết với quê hương Việt Nam.
Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management, Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia Tư vấn Cao cấp vùng châu Á cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).