Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu thiếu quyết liệt chống khai thác hải sản trái phép

Thứ tư - 28/08/2024 22:19 419 0
Chiều 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và quyết tâm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương nếu không thực hiện nghiêm, thiếu quyết liệt chống khai thác hải sản trái phép.
Tại hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 28 tỉnh ven biển, các đại biểu đánh giá sau gần một năm từ đợt thanh tra lần thứ 4 của EC và 7 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, Việt Nam đạt được nhiều kết quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị chiều 28 08 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị ngày 28/08/2024 

Khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá được tăng cường. Việc truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác đã được rà soát, thực hiện chặt chẽ hơn trước. Công tác thực thi pháp luật, xử lý hành vi khai thác IUU đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra 3 vụ.
Tuy nhiên, tới nay vẫn còn nhiều tồn tại như chậm hoàn thành việc quản lý đội tàu. Tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vẫn diễn ra.

Chỉ rõ mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thống nhất nhận thức, hành động quyết liệt. Trong đó lưu ý gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng.

Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ vụ vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay. Trước hết tập trung các vụ ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Để làm được việc này, các địa phương cần hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá. Địa phương phải kiểm soát chặt tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng khai thác.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập trung nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định... Công an, biên phòng cần phối hợp với chính quyền sở tại để tuyên truyền, kịp thời ngăn chặn từ sớm tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

"Biện pháp mạnh" khác Thủ tướng đưa ra là xử lý trách nhiệm Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra nếu để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, bốc dỡ thủy sản khai thác mà không xác minh, xử lý theo quy định. Cùng với đó, các cơ quan phải liên tục rà soát, thực hiện nghiêm việc xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Ông cũng yêu cầu điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm 100% các vụ liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản không được móc nối để hợp thức hóa hồ sơ cho các sản phẩm thủy hải sản khai thác vi phạm IUU để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

"Nếu địa phương nào không có sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, tiếp tục để xảy ra các sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng", người đứng đầu Chính phủ nói.

Năm 2008, EC ban hành quy định số 1005 về thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, có hiệu lực từ năm 2010.

Tháng 10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do "Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU".

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây