HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ năm - 25/07/2024 00:251.2170
Dù ở cương vị công tác nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có cái nhìn sâu sắc, đa chiều về một vấn đề, sự việc; tế nhị và khéo léo trong giải quyết công việc. Ông không chỉ dừng lại ở bề nổi của sự việc mà luôn tìm hiểu sâu xa, đưa ra những phân tích toàn diện và sắc bén. Điều đó phần nào đã được ghi lại trong bài viết của Nhà báo Vũ Lân với tiêu đề: “Những kỷ niệm sâu sắc với nhà báo Nguyễn Phú Trọng” đăng trên BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ .
Trong những ngày này, nhiều kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ ùa về trong tôi, quá khứ, hiện tại đan xen nhau, kể cả trong giấc ngủ. Đó là những kỷ niệm thời đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Phó Bí thư Thường trực, rồi Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước và suốt 13 năm liền là người đứng đầu Đảng ta. Có nhiều kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên, trong đó có những kỷ niệm rất dung dị, đời thường trong 20 năm liền công tác, sinh sống và sinh hoạt với nhà báo Nguyễn Phú Trọng. Với hoàn cảnh, tư cách đó, tôi xin phép được gọi đồng chí Nguyễn Phú Trọng bằng Anh, như những gì anh em đã từng xưng hô với nhau gần nửa thế kỷ qua.
Học xong khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, tôi, cũng như anh Nguyễn Phú Trọng, được Tạp chí Cộng sản xin về công tác. Một may mắn nữa là, tôi được sống cùng nhà với gia đình anh Nguyễn Phú Trọng, số 16 phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Khi mới làm quen, tôi sớm nhận ra nét nổi trội trong con người Anh là người đức độ, hiền lành, sống rất tình cảm, khiêm nhường, giản dị, hay lam hay làm, xởi lởi, dễ gần gũi...
Thời gian đó, gia đình anh Trọng ở căn phòng 25m2 ở tầng 3, còn tôi ở phòng tập thể diện tích cũng như vậy ở tầng 2. Cho đến bây giờ, hình ảnh sáng sáng, anh Trọng, cũng như mọi người trong khu tập thể xuống đánh răng, rửa mặt quanh cái bể nước phía sau nhà. Anh Trọng không bao giờ quên xách mang theo một cái xô để xách nước lên tầng 3 phục vụ gia đình. Trước giờ làm việc buổi sáng, từ nhà đến cơ quan, số 1 Nguyễn Thượng Hiền, anh không quên ghé qua quán bán nước sôi, xách một phích nước xôi lên phòng làm việc để pha trà (thói quen uống trà vào buổi sáng được anh duy trì cho đến ngày nay).
Hồi tôi về công tác ở Tạp chí Cộng sản thì anh Trọng đã ở đây (Tạp chí Học tập) trước tôi 10 năm. Anh Trọng khi đó là biên tập viên bậc 5 Ban Xây dựng Đảng, với mức lương là 86 đồng, còn tôi là biên tập viên bậc 3 Ban Văn xã, mức lương 64 đồng, chênh lệch chả mấy, mọi người sống khó khăn, vất vả như nhau nên rất tiết kiệm, nhưng lại rất vui vẻ. May mắn là có thời gian, Ban Xây dựng Đảng và Ban Văn xã lại ở cùng tầng 3, sinh hoạt chung một chi bộ Đảng, cho nên tôi có điều kiện gần gũi anh Trọng, trừ thời gian anh đi nghiên cứu sinh tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đi thực tập sinh, bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ về xây dựng Đảng (nay là Tiến sĩ) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính vì vậy, trong các năm 1987-1988 và nửa đầu 1989, thỉnh thoảng tôi lại được anh Trọng nhờ cắt tóc hộ. Anh Trọng sống rất đơn giản, không cầu kỳ, biết tôi "khéo tay", nhiều buổi trưa, sau khi anh em rủ nhau ra ăn "cơm tháng" ở quán gần Bến xe Kim Liên, về phòng anh lại cởi trần, tôi thì dùng cái kéo đã cũ, cắt tỉa tóc cho anh. Những lúc như thế, anh em tâm sự nhiều chuyện về hoàn cảnh gia đình, chuyện công việc, chuyện phiếm ngoài đời, nhất là những chuyện xung quanh các vấn đề về văn hoá, văn nghệ mà tôi được phân công theo dõi. Cắt tóc xong, cũng là đến giờ làm việc, tôi dùng khăn phủi qua tóc vụn trên người, anh mặc áo vào và bắt đầu buổi làm việc chiều.
Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Trọng - chị Ngô Thị Mận có thói quen giữ giá trị truyền thống của "nếp nhà" Việt Nam. Bố mẹ, ông bà gương mẫu, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo... Vợ chồng anh chị là người hay lam hay làm, muốn tự mình làm những việc trong nhà. Khi đã là cán bộ lãnh đạo cấp cao, có tiêu chuẩn người phục vụ, tuy nhiên vợ chồng anh không tận hưởng chế độ ấy mà chị Ngô Thị Mận, vợ anh vẫn tự mình đi chợ về nấu ăn. Anh vẫn thường xuyên tự giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, làm những việc lặt vặt trong nhà. Các con anh chị đều ngoan ngoãn, tự lập, vươn lên bằng chính năng lực của mình. Quan điểm của anh Trọng là: "không cầm cổ cây lúa kéo lên mà để nó phát triển tự nhiên". Các con anh chị chưa bao giờ có tư tưởng ỷ thế bố "làm to" mà nhờ cậy, ỷ lại, lợi dụng... Đám cưới của con anh, một cháu anh chỉ mời một số người thân thiết đến dự tiệc ngọt, sau đó gửi giấy "báo hỷ"; một cháu anh chỉ làm mấy mâm cỗ thắp gia tiên và mời những người thân thiết nhất đến chứng kiến. Trên mạng xã hội mấy ngày nay xuất hiện tấm ảnh vợ chồng anh ngồi gói bánh chưng một cách rất ấm cúng, sum vầy, hạnh phúc... Đó là vợ chồng anh và hai cháu nội gói bánh chưng vào ngày 27 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Tôi có may mắn được tháp tùng nhà báo Nguyễn Phú Trọng đi công tác, thực tế ở nhiều địa phương, cơ sở, khi anh đã là Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Qua mỗi chuyến như thế, tôi học được ở anh phong cách, kinh nghiệm hành nghề báo chí. Trước khi đi công tác, bao giờ anh cũng họp Đoàn công tác, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, thời gian, phân công nhiệm vụ của từng thành viên. Vốn là một cán bộ của Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập, ngay sau khi được nhận về công tác, anh Trọng rất quan tâm đến công tác sưu tầm, tập hợp tư liệu, tiền đề đầu tiên cho một bài báo. Anh thường nói "Có bột mới gột nên hồ". Ngay sau chuyến công tác về, anh tiếp tục cho họp đoàn công tác để rút kinh nghiệm mặt thu hoạch được và chỉ ra những hạn chế, thậm chí thiếu sót của chuyến đi. Điều đặc biệt là anh Trọng rất quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh của từng thành viên trong Đoàn, rất độ lượng, đượm tính nhân văn khi có thiếu sót xảy ra. Xin kể ra đây một ví dụ. Đó là chuyến đi công tác tại tỉnh Sơn La vào năm 1995. Khi đó xăng dầu được phát cho từng cơ quan, mỗi đơn vị có một "kho xăng" riêng. Lần đó, chúng tôi đi bằng chiếc xe U-oát, trên xe là một thùng phi xăng đặt ở cuối xe. Bình thường, anh Trọng hay ngồi "ghế phụ" cạnh lái xe, nhưng lần đó, anh bảo để anh ngồi ghế dưới, chặn cho phuy xăng khỏi rung động, tràn hở hơi xăng ra ngoài. Khi đến Huyện uỷ Yên Châu, chúng tôi nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau, đoàn ra cửa hàng ăn của huyện ăn phở. Anh lái xe làm mình, làm mẩy, không chịu ăn với đoàn mà đi ra ăn chỗ khác. Sáng hôm đó, chúng tôi làm việc ở nhà riêng của Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng Đông. Khi chúng tôi đang ăn trưa ở trên nhà sàn thì nghe thấy ở dưới, đồng bào đang to tiếng mặc cả đắt rẻ một mặt hàng gì đó. Anh Trọng nháy tôi xuống đó xem sao, hoá ra anh lái xe của đoàn đang bán cá khô cho đồng bào do anh mang từ Hà Nội lên. Chiều hôm đó, tôi báo cáo nhỏ việc này với anh Trọng. Bụng bảo dạ, thế nào sau đợt công tác, anh lái xe của đoàn sẽ bị phê bình, kiểm điểm vì thời điểm chủ nhà mời cơm ở trên, ở dưới lái xe lại "mua rẻ, bán đắt" với đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, khi họp Đoàn công tác, không thấy anh Trọng nhắc nhở đến sự việc này. Thì ra, trước đó, anh đã gọi anh lái xe lên phòng nhắc nhở nhẹ nhàng, và tỏ ra rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của lái xe, rằng cực chẳng đã anh em mới phải làm như vậy. Thời bao cấp, những lần đi công tác ở các tỉnh, chúng tôi thường được địa phương biếu sản vật đặc trưng của nơi đó. Chẳng hạn về Kim Sơn, Ninh Bình, anh em trong đoàn được biếu đôi chiếu đậu, rượu Kim Sơn; ở huyện Na Hang, Tuyên Quang... chúng tôi được biếu can rượu ngô men lá; ở Đồng Châu, Thái Bình là ít sản phẩm biển, chai bia ong; ở Bắc Giang là mấy cân vải Lục Ngạn; ở Hưng Yên là "nhãn lồng tiến vua"...
Cho đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng, một phần do quá trình học tập, nghiên cứu ở các học viện, nhà trường, tôi luyện trong cuộc sống, nhưng có lẽ yếu tố quan trọng có tính quyết định là qua môi trường làm báo ở một Tạp chí lý luận, chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc nghiên cứu, tiếp thu một cách nhuần nhuyễn lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vận dụng, đối chiếu với thực tiễn cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới là thế mạnh, bản sắc của nhà báo lý luận Nguyễn Phú Trọng. Vì là lý luận chính trị cho nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như trong các bài báo của mình, nhà báo Nguyễn Phú Trọng bao giờ cũng rất chú trọng việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách sâu sắc chứ không có lý luận suông và không có thực tiễn mù quáng. Lý luận soi đường cho thực tiễn và thực tiễn làm chân lý, thước đo cuối cùng cho lý luận. Ngay sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, ngày 26/6/1992, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng", Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã phối hợp với Tỉnh uỷ Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học về Nghị quyết Trung ương 3 với thực tiễn Thái Bình. Hội thảo đã gây tiếng vang và đề ra nhiều giải pháp từ thực tiễn. Bài báo “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết năm 1992, đăng trên Tạp chí Cộng sản cũng từng gây tiếng vang trong giới lý luận, các nhà khoa học. Những quan điểm mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đưa lên thành những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam có một phần nguồn gốc từ quá trình nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn tại tạp chí lý luận chính trị của Đảng.
Đối với tôi, Anh Trọng đã gợi ý nhiều đề tài làm nên những bài viết mà tôi không bao giờ quên trong đời làm báo của mình.
Và một trong những phẩm chất vô cùng cần thiết của người làm báo là tính cẩn trọng, sự dấn thân, sáng tạo. Điều này, tôi học được từ nhà báo Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Song, những di sản của đồng chí tiếp tục được thế hệ tiếp nối kế thừa và phát triển, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.