HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttps://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Thứ hai - 09/09/2024 05:42700
Nhiều ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ - thủ phủ khai thác cá ngừ lớn nhất cả nước đang gặp khó vì giá cá ngừ rớt thảm, doanh nghiệp dọa ngừng thu mua. Theo phản ánh, giá cá rớt thảm là do vướng phải quy định mới về kích thước của các loài cá ngừ theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP (Nghị định 37)
Vừa hoàn thành chuyến biển 20 ngày ở quần đảo Trường Sa trở về cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ngư dân Nguyễn Nhơn (56 tuổi, chủ tàu cá QNg 94042 TS, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) liền than: “Chưa bao giờ giá cá ngừ sọc dưa (thuộc loài cá ngừ vằn) đang ở đỉnh điểm từ 30.000 đồng/kg lại rớt xuống còn 19.000 đồng/kg và còn rớt giá tiếp. Tàu tôi hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa, mỗi lần ra khơi chi phí 140 triệu đồng, với 13 lao động. Giờ giá cá rớt như vầy phần lớn ngư dân rất lo, không dám vươn khơi”.
Tàu cá của ông Nguyễn Văn Sừ (ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có 14 lao động, là con tàu hiếm hoi vừa trúng mẻ cá 30 tấn, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa, nhưng bán ra chỉ còn được nửa giá so với trước nên các ngư dân vô cùng thất vọng. Nếu với giá thu mua trước đó, 30 tấn cá của ông Sừ sẽ thu về 900 triệu đồng thì bây giờ chỉ thu dưới 400 triệu đồng.
Ngược ra thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) - nơi có 2.300 tàu cá xa bờ chuyên khai thác cá ngừ, đang rơi vào tình thế lao đao vì cá ngừ rớt giá. Ngư dân Vũ Thành Hoàng (phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn) sở hữu 5 tàu khai thác cá ngừ tổng công suất 3.000CV, với 71 lao động biển đang khóc ròng vì giá hải sản rớt thê thảm, các doanh nghiệp dọa sẽ không nhập hàng.
“Ở đây, nhiều tàu lỗ từ 100-200 triệu đồng/chuyến biển, đa số ngư dân đang cầm cự chứ đánh bắt không có lãi. Riêng, đội tàu của tôi mỗi lần ra khơi tốn chi phí trên 1 tỷ đồng, nếu cứ đà này thì phá sản mất”, anh Hoàng lo lắng.
Sớm điều chỉnh quy định
Vừa qua, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ kiến nghị gỡ khó giúp các ngư dân, doanh nghiệp và hiệp hội cá ngừ.
Văn bản nêu, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 4-4-2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP (ngày 8-3-2019) quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Thủy sản, các doanh nghiệp chế biến đồ hộp cá ngừ gặp rất nhiều khó khăn với quy định về kích thước, chiều dài tối thiểu đối với cá ngừ vằn (tên khoa học là Katsuwwonus pelamis) là 500mm (50cm), tại Phụ lục V của Nghị định 37.
Quy định để chặn tận diệt nguồn lợi
Trả lời PV Báo SGGP, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) thông tin, qua khảo sát, nguồn lợi thủy sản nước ta suy giảm báo động, từ 5,07 triệu tấn (2000-2005) giảm còn 3,95 triệu tấn (2016-2020), giảm 22,1%.
Nguyên nhân chính do cường lực khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non. Vì vậy, nếu không kịp thời ngăn chặn, hạn chế khai thác xâm hại con non thì vài năm nữa, chúng ta sẽ không còn cá, cạn kiệt nguồn lợi.
Ông Hùng cũng đưa ra các cơ sở khoa học về quy định kích thước tối thiểu hải sản được phép khai thác, nêu rõ nhiều tổ chức và các nước khác cũng đang áp dụng.
Ngoài ra, Nghị định 37 cũng cho phép tỷ lệ trộn lẫn các đối tượng cá có kích thước nhỏ hơn quy định không quá 15% để thuận tiện áp dụng vào thực tiễn…
Về hướng giải quyết, ông Lê Trần Nguyên Hùng cho biết, tới đây, đơn vị sẽ tổ chức họp với cơ quan nghiên cứu, quản lý và Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản cùng các doanh nghiệp, ngư dân trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến các bên để đề xuất với Bộ NN-PTNT, Thủ tướng nhằm vừa đảm bảo phục hồi nguồn lợi cá ngừ bền vững, qua đó nâng hiệu quả chuyến biển của ngư dân vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, quy định của quốc tế và hội nhập.
VĂN PHÚC
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá biến động các đặc trưng sinh học một số loài hải sản vùng biển Trung bộ năm 2020 của Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT), nhóm cá ngừ vằn có chiều dài bắt gặp trong các năm dao động từ 18-55cm, trong đó nhóm chiếm ưu thế từ 25-40cm.
Còn theo Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), nguồn lợi cá ngừ vằn còn khá phong phú và được khai thác vẫn dưới mức cho phép. Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho hay, cá ngừ vằn đang được các doanh nghiệp chế biến đồ hộp mua tại cảng cá 12 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ ở kích thước từ 20-40cm (từ 0,5kg-3,5kg/con).
Như vậy, thực hiện theo Phụ lục V của Nghị định 37 thì tất cả cá ngừ vằn khai thác cũng như thu mua, xác nhận, chứng nhận và xuất khẩu kích thước dưới 50cm đều vi phạm; các cơ quan quản lý không xác nhận và cấp chứng chỉ để xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, hiện các nước nhập khẩu hải sản và cá ngừ Việt Nam cũng chưa yêu cầu khắt khe về kích thước cá ngừ. Nếu chúng ta đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì lợi bất cập hại, gây khó khăn cho bà con ngư dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng chung đến xuất khẩu cá ngừ cả nước.
Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho biết, tỉnh Bình Định có sản lượng khai thác cá ngừ lớn nhất cả nước, từ 55.000-60.000 tấn/năm. Phụ lục V của Nghị định 37 không chỉ ảnh hưởng đến cá ngừ vằn, cá ngừ sọc dưa mà các loại cá ngừ đại dương cũng bị ảnh hưởng.
“Theo Tổng cục Thủy sản, quy định này do Cục Kiểm ngư tham mưu. Về phía địa phương, trước đây, Cục Kiểm ngư cũng đã khảo sát, lấy ý kiến nhưng do các tỉnh tập trung cho công tác phòng chống IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), không để ý nên phát sinh quy định chưa phù hợp trên”, ông Nghĩa nêu.