HIỆP HỘI NƯỚC MẮM VIỆT NAMhttp://hiephoinuocmamvietnam.org.vn/uploads/picture12-300x148.png
Chủ nhật - 17/03/2024 06:224300
Trong ba ngày, từ 15 đến 17/3, hàng nghìn người dân cùng khách du lịch đã tham dự chuỗi hoạt động phong phú và hấp dẫn của Festival Phở 2024 diễn ra tại tỉnh Nam Định.
Đối với người Việt, phở không chỉ là món ăn thơm ngon mà còn gắn với không gian văn hóa rộng lớn, đặc sắc. Từng thành phần, kỹ thuật tạo nên hương vị phở ở mỗi vùng miền đều có thể “kể” những câu chuyện thú vị và tự hào.Với chủ đề “Con đường phở Việt”,
Festival Phở 2024 được Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định phối hợp nhiều đơn vị và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực tổ chức. Suốt ba ngày lễ hội, gần 50 gian hàng hoạt động liên tục, hết công suất để phục vụ những hàng dài thực khách kiên nhẫn và háo hức đợi thưởng thức hương vị phở.
Lan tỏa tinh hoa ẩm thực
Một điểm nhấn độc đáo tại đây là nồi phở khổng lồ do nghệ nhân Lê Văn Khánh, Tổng bếp trưởng Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (Hà Nội) cùng khoảng 50 đầu bếp chuẩn bị và thực hiện, phục vụ hàng nghìn bát phở gần như cùng lúc với định lượng và chất lượng tiêu chuẩn.
Trong khuôn khổ Festival Phở 2024, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng, trải nghiệm toàn bộ quá trình làm phở từ tráng bánh, thái bánh phở, nấu nước dùng, thái thịt, ướp gia vị... và lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nghệ nhân phở nổi tiếng đến từ nhiều địa phương.
Festival Phở 2024 cũng là sự kiện hiếm hoi mà người yêu thích ẩm thực nói chung và phở nói riêng có cơ hội tiếp cận các thương hiệu phở đa dạng, được ưa chuộng trên cả nước như: Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), phở Vân Cù (Nam Định), phở ngô Hà Giang, phở chua Lạng Sơn, phở atiso Đà Lạt (Lâm Đồng), phở sắn Quế Sơn (Quảng Nam), phở bột chuối xanh Thừa Thiên Huế, phở sâm Ngọc Linh (Kon Tum)...
Bên cạnh món phở bò, phở gà truyền thống lâu năm thì một số loại phở sáng tạo cũng rất hút khách với sự mới lạ, nắm bắt xu hướng và thị hiếu thực khách.
Chẳng hạn như tại quầy phở atiso Đà Lạt, đại diện thương hiệu cho biết đã chuẩn bị nguyên liệu cho 2.500 bát phở để bán trong ba ngày, nhưng nhận được sự ủng hộ lớn từ thực khách cho nên hết hàng chỉ sau hai ngày.
Một gian hàng khác cũng tấp nập khách check-in và thưởng thức là phở ngô Hà Giang với sợi phở làm từ bột ngô (thành phần món mèn mén của người H’Mông bản địa), nước dùng ninh từ rau củ quả.
Hương vị hấp dẫn, sắc màu văn hóa đặc trưng tụ hội đã khiến Festival Phở 2024 đón đông đảo người dân Nam Định, du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và các đoàn khách quốc tế.
Là người yêu thích món ăn Việt Nam và từng tham dự Ngày của Phở 2022 tại Nam Định, Trưởng Lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam Ivana Judiakova bày tỏ niềm vui khi thưởng thức phở, khẳng định nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến món phở.
Trong dịp này, nhiều hình thức, hoạt động văn hóa cũng diễn ra liên tục, bao gồm cuộc thi viết cảm nhận về phở, quảng diễn “Hương vị phở Việt”, trình diễn “Sợi phở Việt”, đêm nhạc trẻ “Phở Việt trong tôi”... Câu chuyện hình thành nghề phở, sự phát triển của phở được thể hiện qua sự kết hợp ẩm thực, âm nhạc, hình ảnh, sân khấu mang lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Nâng tầm, quảng bá phở Việt
Phở là món ăn dân dã, xuất hiện và gắn bó với đời sống của người Việt từ lâu đời, hiện diện từ nông thôn tới thành thị, và theo dấu chân người Việt xa quê đi khắp thế giới.
Phở Việt Nam nhiều lần được vinh danh bởi các đầu bếp, chuyên gia, các tạp chí quốc tế, công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu. Phở và những tập quán ăn uống, văn hóa, xã hội liên quan là loại di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.
Theo Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học Hà Huy Chiến, điều quan trọng của Festival Phở là đi tìm nguồn gốc của phở cũng như tôn vinh người làm gia vị, từ đó quảng bá giá trị văn hóa của phở và tôn vinh nghề phở Việt Nam. Sau sự kiện này Ban tổ chức đã thu thập, chọn lọc được nhiều bài viết của các tác giả về phở, dự kiến sẽ sớm in thành sách để góp phần quảng bá.
Đến với Festival Phở 2024, không ít thực khách đã thể hiện niềm hứng khởi khi có thêm hiểu biết về món ăn yêu thích. Nhiều người từng ăn phở nhưng chưa có dịp tìm hiểu về phở ra đời thế nào, được nấu ra sao.
Tại tọa đàm “Con đường phở Việt”, hành trình của phở qua hơn 100 năm có mặt ở Việt Nam, những biến đổi của phở qua từng vùng miền để phù hợp với thói quen, khẩu vị của mỗi địa phương đã được các diễn giả thảo luận, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong kế thừa và phát huy giá trị truyền thống, tôn vinh những nghệ nhân nghề phở. Hành trình về làng phở truyền thống Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, hứa hẹn tiềm năng về các tour du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề.
Làng quê được mệnh danh “cái nôi của phở” có nghi lễ cúng Tổ nghề trang trọng, có không gian hội làng đặc sắc... và nghề làm phở được duy trì 3-4 đời ở cả trong nước và nước ngoài.
Nghệ nhân Cồ Như Đồi, Chi hội trưởng Chi hội phở Vân Cù (trực thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định) cho biết, gần 2 năm qua đã tập hợp được hàng trăm đầu bếp trong làng, tạo thành một cộng đồng đoàn kết và quyết tâm gìn giữ, bảo vệ thương hiệu phở cha ông đã gây dựng nên. Đơn vị này đang xúc tiến đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu “Phở Vân Cù”.
Còn theo nghệ nhân Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, một trong những điểm đặc sắc của Festival Phở 2024 là định vị cho hương liệu và gia vị trong phở Việt Nam. Nghệ nhân Lê Thị Thiết chia sẻ, hiện nay, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng nấu phở Việt Nam nhưng chưa thể định được chuẩn các gia vị trong nấu phở. Phở Việt Nam có đậm nét đặc trưng là muối, mắm và các gia vị thảo mộc để cân bằng dinh dưỡng. Các gian hàng gia vị, sản phẩm phụ trợ cho món phở tại Festival Phở 2024 cũng được quảng bá, xúc tiến thương mại như:
Hoa hồi Lạng Sơn, thảo quả Tây Bắc, nước mắm Cụ Nghị, giấm cô Tâm, mắm chắt Đại Điền... Festival Phở 2024 hướng tới mục tiêu đưa phở trở thành một thương hiệu quốc gia, gắn liền với phát triển du lịch. Thông qua Festival, ban tổ chức kỳ vọng sẽ tiến tới việc lập hồ sơ để đưa văn hóa ẩm thực phở trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới.